Tin Phòng ban - Khoa - Bộ môn

HỘI THẢO KHOA HỌC - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH NAM ĐỊNH

Ngày 16/11/2023, Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nam Định”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ năm 2022 của tỉnh Nam Định "Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định” do TS. Đoàn Thục Quyên - Trưởng Khoa Kế toán làm chủ nhiệm đề tài. 

 

Hội thảo thu hút nhiều đại biểu, khách mời tham dự: Về phía Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nam Định có ông Trần Huy Quang - Phó Giám đốc, lãnh đạo các phòng ban và chuyên viên các Sở, Ngành Tỉnh Nam Định quan tâm đến Hội thảo. Về phía chuyên gia, nhà khoa học có Ths. Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Ông Hoàng Đức Hân - Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt & BVTV Nam Định; Bà Cao Thị Nga - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản – Sở NN & PTNT Nam Định; ThS. Lê Thị Thảo - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định. Về phía trường Đại học Công đoàn có TS. Đoàn Thục Quyên – Chủ nhiệm đề tài, và các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài.

 

 

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Đoàn Thục Quyên - Chủ trì Hội thảo cho biết: Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là việc làm cần thiết và là xu hướng tất yếu mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, kết nối hài hoà lợi ích giữa các lĩnh vực, nhất là chăn nuôi - trồng trọt - thuỷ sản. Xác định giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định là nhiệm vụ quan trọng, Sở Khoa học và công nghệ Tỉnh Nam Định đã tin tưởng, lựa chọn trường Đại học Công đoàn thực hiện đề tài khoa học “Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định” do TS. Đoàn Thục Quyên, trưởng khoa Kế toán làm chủ nhiệm. Trong khuôn khổ đề tài, Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học“Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nam Định” với mong muốn nhận được sự tham góp của các chuyên gia, các nhà khoa học để làm rõ thực trạng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định; các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Nam Định hướng tới các nhóm đối tượng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản với đặc thù sản xuất và mức độ tuần hoàn khác nhau; cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới các vấn đề liên quan tới kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

 

TS. Đoàn Thục Quyên – Chủ trì Hội thảo phát biểu khai mạc 

 

Hội thảo đã nhận được 10 bài tham luận chất lượng của các chuyên gia, các nhà khoa học, trong đó có 04 ý kiến thảo luận trực tiếp. Các bài tham luận tập trung vào các nội dung:

Một là, thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Nam Định;

Hai là, thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định;

Ba là, thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nam Định;

Bốn là, thực trạng ứng dụng công nghệ cao hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định;

Năm là, áp dụng công nghệ số vào kinh tế tuần hoàn  trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nam Định;

Sáu là, xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Nam Định.

Bảy là, cơ chế chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp;

Nam Định là tỉnh duyên hải trọng điểm nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng, diện tích đất nông nghiệp xấp xỉ 111.200 ha; đất sản xuất nông nghiệp là 89.288 ha. Với điều kiện và đặc thù là tỉnh nông nghiệp, Tỉnh ủy – HĐND - UBND Tỉnh luôn coi phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ lớn, trong tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh. Việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

Một số giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nam Định như: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua hội nghị tập huấn, hội thảo, xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch. Hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp…

Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Trần Huy Quang - Phó Giám đốc Sở KH và công nghệ tỉnh Nam Định nhấn mạnh các bài tham luận của Hội thảo được chuẩn bị chu đáo, công phu, có số liệu thực tiễn phản ánh thực trạng; bên cạnh đó, các ý kiến tham luận trực tiếp tại Hội thảo có chất lượng và giá trị cao; là cơ sở để chuẩn bị các bước tiếp theo trong nghiên cứu đề tài. Đồng chí cũng đề nghị các Cơ quan Sở, Ngành liên quan tạo mọi điều kiện, phối hợp, giúp đỡ nhóm nghiên cứu hoàn thành nhiệm vụ đề tài.

 

Ông Trần Huy Quang - Phó Giám đốc Sở KH và công nghệ tỉnh Nam Định phát biểu tại Hội thảo

 

 

Kết thúc Hội thảo, TS. Đoàn Thục Quyên -Trưởng Khoa Kế toán, Chủ trì Hội thảo gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Nam Định, các chuyên gia, các nhà quản lý, quý đại biểu của Sở, ngành địa phương đã tới tham dự Hội thảo và đóng góp những ý kiến hết sức quý báu. Nhóm nghiên cứu đề tài sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung hoàn thiện cơ sở dữ liệu của đề tài.

Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nam Định” được tổ chức nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả. Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn để lắng nghe ý kiến và đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, góp phần nâng cao năng lực học thuật của các nhà khoa học, đồng thời tăng cường truyền thông, kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

 

Bà Cao Thị Nga, Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định chia sẻ tham luận: Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định

 

Ông Hoàng Đức Hân, Chi cục Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Nam Định chia sẻ tham luận: Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Nam Định

 

Ths. Lê Thị Thảo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định chia sẻ tham luận: Thực trạng, giải pháp kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi tại tỉnh Nam Định

 

Ths.Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ tham luận: Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp

 

Bà Phạm Thị Tuyết – Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trao đổi ý kiến

 

Nhà khoa học quan tâm đến Hội thảo trao đổi ý kiến

 

TS. Đoàn Thục Quyên – Chủ trì Hội thảo phát biểu kết luận

 

 

 

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

ThS. Mai Thị Thúy – Giảng viên Khoa Kế toán

Tin liên quan
Top