Ngày 13.5, Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn trong điều kiện Việt Nam thực hiện CPTPP và EVFTA.
Tham gia Hội thảo có đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; TS.Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội; Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương; Các Trường, Viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế tại Hà Nội; cùng với lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trường Đại học Công đoàn; các chuyên gia, các nhà khoa học.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Phan Văn Anh – Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn luôn được Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặc biệt quan tâm. Thực tế hiện nay đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ Công đoàn đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lấy chủ đề hoạt động của năm là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở”. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là “Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở. Tập trung đầu tư cho công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chủ chốt Công đoàn cơ sở …”. Tổng Liên đoàn cũng đã dành 10% tổng chi hàng năm để tập trung đầu tư cho công tác đào tạo, điều đó đã thể hiện sự quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở của Tổng Liên đoàn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn cũng đề nghị Trường Đại học Công đoàn tiếp thu, tổng hợp, phân tích các ý kiến tại Hội thảo để nghiên cứu xây dựng chương trình kế hoạch đào tạo trong quá trình đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp để đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện Việt Nam là thành viên và tham gia thực hiện các Hiệp định trên.
Đóng góp tham luận tại Hội thảo PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn đánh giá để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Công đoàn, cần nghiên cứu biên soạn các giáo trình, tài liệu, tư liệu phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, theo nhiều cấp độ, nhiều đối tượng, nhằm giúp cho cán bộ Công đoàn có nhiều tài liệu nghiên cứu, học tập và tham khảo. Đặc biệt cần tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp đào tạo, theo hướng vừa truyền đạt kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, vừa đào tạo phương pháp tiếp cận nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo của người học, khuyến khích người học tổng kết thực tiễn, vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức hoạt động, kỹ năng vận động, thuyết phục, xử lý, giải quyết những tình huống phát sinh của cán bộ Công đoàn…
Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS.Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đánh giá khi tổ chức người lao động ra đời, các đối tác của Công đoàn Việt Nam như các tổ chức công đoàn quốc tế, các tổ chức công đoàn quốc gia, ILO, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) … sẽ có thêm lựa chọn để hợp tác, thông qua đó để hỗ trợ, phối hợp và triển khai các hoạt động. Điều đó sẽ dẫn đến sự phân tán nguồn lực hỗ trợ của các đối tác nước ngoài. Điều này đòi hỏi đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam vừa phải tìm kiếm, mở rộng các đối tác mới, đồng thời giữ được các đối tác truyền thống, tận dụng những kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp và tài chính từ các đối tác quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời thông qua quá trình hợp tác để tranh thủ sự ủng hộ trong các diễn đàn hoặc vấn đề quốc tế. Để làm được điều này, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp với từng đối tượng để xây dựng được đội ngũ cán bộ Công đoàn có trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động…
Thảo luận tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng và đưa ra những giải pháp cho công tác đào tạo cán bộ Công đoàn nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ Công đoàn trong điều kiện Việt Nam thực hiện CPTPP và EVFTA; đào tạo cán bộ Công đoàn trong bối cảnh mới…Trong đó có nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn. Hội thảo cũng trao đổi những vấn đề thực tế, thực tiễn đang đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn hiện nay, những giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn ở từng cấp Công đoàn, nhất là cấp Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp và những giải pháp để đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn thay mặt Nhà trường cảm ơn những đóng góp của các nhà khoa học trong buổi Hội thảo. “Trong hành trình phía trước, có thể vẫn sẽ là "dò đá qua sông", chúng tôi thực sự mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, khích lệ của toàn xã hội, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của các cấp lãnh đạo, đứng sau hỗ trợ, chỉ đạo và định hướng cũng như sự ủng hộ, hợp tác của các đối tác và các nhà khoa học trong chiến lược đào tạo của Nhà trường”, TS Lê Mạnh Hùng cho biết thêm.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Nguyễn Anh Đức- Phòng Khoa học