Tin Hoạt động

NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP TỔNG LIÊN ĐOÀN - VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG VIỆC THÚC ĐẨY ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

Ngày 25/4/2024, tại Trường Đại học Công đoàn, đề tài khoa học cấp Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam “Vai trò của Công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp” mã số ĐT.XH/TLĐ 2022.16 do TS. Lê Thị Thuý Ngà, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn là Chủ nhiệm đề tài đã được đánh giá, nghiệm thu.

 

Hội đồng khoa học đã tiến hành đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học và công nghệ cấp Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022 “Vai trò của Công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp” theo Quyết định số 503/QĐ-ĐHCĐ ngày 16 tháng 4 năm 2024. 

Quang cảnh Hội đồng 

 

Hội đồng nghiệm thu gồm 05 thành viên: PGS. TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn là Chủ tịch Hội đồng; GS. TS. Nguyễn Tuấn Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Phản biện 1; ThS Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – Phản biện 2; PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Uỷ viên; ThS Lê Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Công đoàn - Ủy viên thư ký.

PGS. TS. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn, 

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành chương trình

Dưới sự điều hành của PGS. TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, TS. Lê Thị Thuý Ngà – Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu và nhấn mạnh, Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho người lao động, đã thực hiện những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19, nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập hoặc thu nhập thấp, bắt buộc người lao động phải làm thêm để tăng thu nhập, trang trải cuộc sống sẽ tạo ra áp lực trong cuộc sống người lao động. Với câu hỏi nghiên cứu được đặt ra: Động lực của người lao động trong các doanh nghiệp hiện nay như thế nào? Yếu tố nào tác động đến động lực làm việc của Người lao động? Công đoàn đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy động lực làm việc của người lao động? Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 1050 mẫu định lượng, 45 phỏng vấn sâu, tổ chức 01 Hội thảo khoa học và 3 cuộc toạ đàm ở Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam ở Việt Nam. Chủ nhiệm đề tài TS. Lê Thị Thuý Ngà trình bày chi tiết nội dung chi tiết về kết quả nghiên cứu để trả lời cho ba câu hỏi nghiên cứu trên: Thứ nhất, động lực của người lao động hiện nay đang ở mức độ cao từ việc đo lường động lực chung, động lực bên trong, động lực bên ngoài và các biểu hiện của nó đó là sự hài lòng, sự gắn kết, sự nỗ lực của người lao động trong doanh nghiệp. Các yếu tố tác động lớn nhất đến động lực người lao động đó là: Yếu tố tiền lương và thu nhập, yếu tố mối quan hệ với lãnh đạo, yếu tố mối quan hệ với động nghiệp. Tổng hợp các yếu tố này có tác động mạnh hơn so với các ảnh hưởng của từng yếu tố độc lập.

TS. Lê Thị Thuý Ngà  - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu 

Công đoàn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy động lực làm việc của người lao động qua các yếu tố như tiền lương và thu nhập, mối quan hệ với lãnh đạo, điều kiện lao động, mối quan hệ với đồng nghiệp,... của người lao động trong doanh nghiệp. Nghiên cứu đã đánh giá những kết quả đạt được và những điểm cần khắc phục của tổ chức công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc của người lao động.

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả của nhóm nghiên cứu, GS. TS. Nguyễn Tuấn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá tốt về tổng quan các nghiên cứu. Báo cáo đánh giá được thực trạng vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng tới vai trò của công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp.

Góp ý cho đề tài, ThS Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá đây là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra nhiều vấn đề nghiên cứu, là cơ sở để đề xuất giải pháp với tổ chức công đoàn để thúc đẩy động lực làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa những ý kiến đống góp để báo cáo ngắn gọn và hoàn thiện hơn.

Đánh giá kết quả nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng đề tài nghiên cứu đã đánh giá khách quan về vai trò của công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp thông qua các nội dung: trong việc đảm bảo thu nhập và tiền lương, điều kiện và môi trường làm việc, mối quan hệ với lãnh đạo cấp trên, mối quan hệ với đồng nghiệp, đào tạo và phát triển nghề cho người lao động. Nhóm nghiên cứu cũng đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc của người lao động tại các doanh nghiệp thông qua vai trò cụ thể của công đoàn.

Đồng thuận với những nhận xét, đóng góp của các thành viên Hội đồng, ThS Lê Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Công đoàn đánh giá cao sự nghiêm túc, say mê nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, đề tài hoàn thành theo đúng tiến độ và đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện báo cáo.

Bên cạnh ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, các  thành viên nhóm nghiên cứu cũng trình bày, phản hồi rõ hơn kết quả nghiên cứu và trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng để bổ sung vào báo cáo.

Phát biểu kết luận, PGS. TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn trân trọng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, các nhà khoa học đã làm việc trách nhiệm, tâm huyết và đã có những ý kiến đóng góp xác đáng cho nhóm nghiên cứu và cho nhà trường. Hội đồng nghiệm thu ghi nhận và đánh giá đề tài là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, số liệu khảo sát đáng tin cậy. Tuy nhiên, Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu cần tiếp thu chỉnh sửa một số nội dung; các kết quả báo cáo nên trình bày cô đọng, ngắn gọn; một số giải pháp và kiến nghị phải bám sát vào kết quả nghiên cứu. 

Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của Hội đồng, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Lê Thị Thuý Ngà bày tỏ lời cảm ơn trân trọng và xin được tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng; sớm bổ sung hoàn thiện hồ sơ đề tài theo yêu cầu.

Hội đồng nghiệm thu thống nhất thông qua kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu bổ sung nội dung từ những ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng. Sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài sẽ tiến hành bảo vệ kết quả nghiên cứu ở cấp Tổng liên đoàn./.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội đồng nghiệm thu:

Hội đồng nghiệm thu đề tài chụp ảnh lưu niệm 

 

 

GS.TS Nguyễn Tuấn Anh,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn– 

Uỷ viên phản biện 1 nhận xét

 

ThS Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Uỷ viên phản biện 2 đóng góp ý kiến

PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét

 

 

ThS. Lê Thị Phương Thảo - Ủy viên thư ký công bố các quyết định liên quan 

TS. Phạm Ngọc Tân, Học viện Khoa học xã hội - thành viên nhóm nghiên cứu phát biểu

TS. Đỗ Thị Lệ Hằng, Viện tâm lý học - thành viên nhóm nghiên cứu phát biểu

TS. Nguyễn Thu Hằng, Bộ Lao động TB&XH - thành viên nhóm nghiên cứu phát biểu

 

TS. Trương Thị Nụ - thành viên nhóm nghiên cứu phát biểu

 

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG





 

Tin liên quan
Top