Tin Hoạt động

HỘI NGHỊ KẾT NỐI HỖ TRỢ STARTUP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

Ngày 25/11/2023, Hội nghị Kết nối hỗ trợ Startup đổi mới sáng tạo và năng suất lao động được tổ chức. Hội nghị là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án thực hiện nhiệm vụ:“Hỗ trợ phát triển các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” mã số: 844.NV05.ĐHCĐ.09.22, do TS. Lê Cao Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm nhiệm vụ.

 

Đến dự Hội nghị có đại diện Bộ Khoa học và công nghệ; đại diện các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Công đoàn; đại diện lãnh đạo Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, thành viên thực hiện nhiệm vụ cùng các cơ quan báo chí, truyền hình.

Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết, Trường Đại học Công đoàn từ năm 2022 đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Trong giai đoạn vừa qua, Nhà trường đã từng bước nghiên cứu, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các chương trình đào tạo, hỗ trợ người học theo định hướng ứng dụng thực tiễn, tạo nguồn cho công đoàn cơ sở cũng như cho doanh nghiệp, gắn kết chiến lược của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng như các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. PGS.TS Lê Mạnh Hùng biểu dương và đánh giá cao kết quả của các thành viên thực hiện nhiệm vụ; đã quy tụ, tập trung được nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ từ các chuyên gia, nhà khoa học để triển khai tốt các hoạt động, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công. Đồng thời bày tỏ mong muốn, các sản phẩm của đề án sẽ được tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao thành tài liệu học tập hữu ích dành cho người học. 

PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu

Tiếp nối chương trình, TS. Lê Cao Thắng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết Hội nghị Kết nối hỗ trợ Startup đổi mới sáng tạo và năng suất lao động được tổ chức nhằm mục đích nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đồng thời kết nối với các nhà đầu tư góp vốn với các doanh nghiệp. Theo dự kiến của nhiệm vụ hoạt động Hội nghị kết nối hỗ trợ Startup đổi mới sáng tạo sẽ được thực hiện để kết nối thành viên mạng lưới với các Startup để tư vấn hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên ngay trong quá trình các tư vấn viên mạng lưới đã tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp Startup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong hoạt động của mạng lưới để tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đến nay đã được hơn 2 tháng.

TS. Lê Cao Thắng - Chủ nhiệm nhiệm vụ phát biểu

Hội nghị Kết nối hỗ trợ Startup đổi mới sáng tạo và năng suất lao động là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án thực hiện nhiệm vụ:“Hỗ trợ phát triển các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do TS. Lê Cao Thắng làm Chủ nhiệm nhiệm vụ. Đề án có mục tiêu phát triển các mạng lưới trong hệ thống tổ chức công đoàn bao gồm: (1) Hình thành mạng lưới tư vấn các cấp, tập huấn và nâng cao năng lực cho mạng lưới tư vấn viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động các cấp Công đoàn; (2) Kết nối các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước vào mạng lưới để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ mạng lưới và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, đoàn viên người lao động khởi nghiệp, tăng cường các phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất lao động; (3) Mạng lưới tư vấn các cấp Công đoàn liên kết, phối hợp với với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia làm cơ sở hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Công đoàn. 

Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 844-QĐ/TTg về việc Phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu: Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, đề án sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, doanh nhân khởi nghiệp thành công đã mang đến những câu chuyện kinh doanh thực tế đầy cảm xúc và chia sẻ những thay đổi tích cực sau khi tham gia các khóa đào tạo cơ bản, chuyên sâu trong khuôn khổ đề án. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đưa ra cái nhìn nhạy bén, khách quan, chân thực về cách doanh nghiệp khởi nghiệp để không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn đóng góp vào môi trường và xã hội. 

Hội nghị Kết nối hỗ trợ Startup đổi mới sáng tạo và năng suất lao động đã chứng minh sức mạnh của cộng đồng và tầm quan trọng trong việc kết nối, chia sẻ kiến thức nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động trong môi trường kinh doanh hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay./.

 

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG


 

Tin liên quan
Top