Tin Hoạt động

HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CẤP THÀNH PHỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ VIỆC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 

Ngày 21/12/2023 tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, Hội đồng khoa học cấp Thành phố tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài: “Giải pháp quản lý việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, do TS Nguyễn Mạnh Thắng làm chủ nhiệm, Trường Đại học Công đoàn đơn vị chủ trì.

Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố gồm 7 thành viên, trong đó: Chủ tịch hội đồng PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Phó Chủ tịch hội đồng TS. Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hà Nội; Ủy viên phản biện PGS.TS. Vũ Thu Hạnh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương; Ủy viên phản biện TS. Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Bộ LĐTB&XH; Ủy viên hội đồng PGS.TS. Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn; ThS Ngô Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH và TS. Vũ Minh Tiến, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Mạnh Thắng trình bày tóm tắt đề tài, làm rõ mục tiêu và nội dung đề tài gồm 4 chương: Chương 1 “Cơ sở khoa học quản lý việc thành lập và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp”; Chương 2  “Đánh giá nhu cầu quản lý việc thành lập và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội” ; Chương 3 “Dự báo quản lý việc thành lập và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Chương 4 “Quan điểm, giải pháp quản lý và khuyến nghị chính sách việc thành lập và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Sản phẩm của đề tài gồm: 4 bài báo, 4 kỷ yếu Hội thảo và 01 bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.

Các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, đặc biệt Trường Đại học Công đoàn có kinh nghiệm tổ chức chủ trì nghiên cứu đề tài các cấp, nhóm nghiên cứu hoàn thành tốt nhiệm vụ đúng thời gian, sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt, có phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại phù hợp với mục tiêu, nội dung yêu cầu đặt ra.

Đề tài làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, pháp lý về khái niệm, mục tiêu, ý nghĩa, tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc thành lập tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp; nêu các chủ thể, nội dung, phương thức, phương tiện, cơ sở vật chất, nguồn lực quản lý việc thành lập và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp; Đề tài đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó tập trung 2 Công ước 87 về Tự do liên kết và Công ước 98 về Thương lượng tập thể quy định hai khía cạnh căn bản của quyền công đoàn, liên quan trực tiếp đến các tổ chức đại diện người lao động.

Đề tài đã đánh giá nhu cầu thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; đánh giá nhu cầu đăng ký thành lập, gia nhập tổ chức và đánh giá nhu cầu hoạt động của NLĐ tại doanh nghiệp về đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, về nhu cầu chống phân biệt đối xử, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, hoạt động của tổ chức của NLĐ; chỉ ra lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động rất mỏng; việc sắp xếp, bố trí biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức của người lao động và quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động còn nhiều khó khăn, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Đề tài đưa ra các nhóm dự báo về đặc điểm về số lượng, quy mô, năng lực của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; dự báo xu hướng thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; dự báo những cơ hội và thách thức đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô. Trên cơ sở đó, đề ra 7 nhóm giải pháp có tính khả thi, nhưng cần tập trung làm rõ các nhóm giải pháp chung, nhóm giải pháp cụ thể về nhóm quản lý tổ chức và nhóm giải pháp quản lý về hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, đề tài kiến nghị có giá trị: với Trung ương một số vấn đề cụ thể: 1/ Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 và điều chỉnh các nội dung về tài chính công đoàn cho phù hợp với tình hình mới; Hoàn thiện và ban hành quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước về quan hệ lao động ở địa phương; 2/ Hoàn thiện và ban hành văn bản xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; 3/ Ban hành chương trình triển khai các hoạt động chuẩn bị tiếp cận thực hiện cam kết sau phê chuẩn Công ước số 87 về Tự do liên kết và Bảo vệ Quyền tổ chức... với Thành ủy một số vấn đề: 1/ Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, về quan hệ lao động, phối hợp, năng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; 2/ Tăng cường sự phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội đồng cấp, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội nhằm phát huy vai trò quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; 3/ Phối hợp với Cục Thống kê thành phố Hà Nội thực hiện định kỳ việc thống kê và công bố các báo cáo liên quan đến tổ chức và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; 4/ Thành ủy chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc phân công phân nhiệm thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; 5/ Tổ chức nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng về quan hệ lao động, về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhà nước về quan hệ lao động...

Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố đánh giá cao kết quả của đề tài và thống nhất nghiệm thu đề tài, điểm trung bình: 8,2 điểm, đạt loại Khá./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ. Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo, Thành ủy Hà Nội

Ủy viên phản biện PGS.TS. Vũ Thu Hạnh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương

Ủy viên phản biện TS. Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Bộ LĐTB&XH

Ủy viên hội đồng PGS.TS. Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn

Ủy viên hội đồng ThS Ngô Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH

TS. Nguyễn Thị Mai, trưởng Phòng QLKH, Sở KHCN Hà Nội phát biểu sau bảo vệ đề tài hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định

TS. Nguyễn Hải Hoàng trưởng phòng QLKH, Trường Đại học Công đoàn đại diện đơn vị chủ trì phát biểu ý kiến, cảm ơn Hội đồng đánh giá công tâm, cảm ơn Sở KHCN Hà Nội mong rằng trong thời gian tới Sở quan tâm, hỗ trợ Trường

 

TS. Nguyễn Mạnh Thắng

Trường Đại học Công đoàn


 

Tin liên quan
Top