Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Công đoàn được thành lập tháng 10/1992 trong bối cảnh Việt Nam phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Sự ra đời của Khoa Quản trị kinh doanh đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Trường Đại học Công đoàn - từ một trường đơn ngành, trở thành cơ sở giáo dục đào tạo đa ngành trong khối các trường đại học về kinh tế.
Kế thừa và phát huy truyền thống đào tạo của Nhà trường, kết hợp với sự năng động của mình, khoa Quản trị kinh doanh nhanh chóng khẳng định vị thế trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và đóng góp tích cực vào việc cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời đáp ứng được yêu cầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cho đến nay, khoa Quản trị kinh doanh đã trải qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành với sự mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Không chỉ đào tạo sinh viên đại học chính quy, năm 2011, Khoa đã đào tạo chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh khóa đầu tiên. Đây là một trong những nỗ lực trong công tác đào tạo của Khoa và Nhà trường.
Với quy mô tuyển sinh mỗi khóa từ 30 đến 40 học viên, trong những năm qua, Trường Đại học Công đoàn nói chung, khoa Quản trị kinh doanh nói riêng thường xuyên quan tâm, chú trọng đến chất lượng chương trình đào tạo, bằng chứng là Nhà trường và khoa Quản trị kinh doanh đã áp dụng nhiều phương pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo như định kỳ khảo sát, lấy ý kiến từ các bên hữu quan làm căn cứ cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng đổi mới, hội nhập.
Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh được thiết kế theo hệ thống đào tạo tín chỉ với 26 học phần và 60 tín chỉ bao gồm: Kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành và thực tập & đề án tốt nghiệp; trong đó chương trình được thiết kế bao gồm các học phần bắt buộc và học phần tự chọn theo một lộ trình hợp lý và khoa học, cho phép học viên có thể linh động trong kế hoạch học tập và đạt được bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Với đội ngũ giảng viên của khoa được đào tạo từ nhiều trường đại học có uy tín và thường xuyên có sự liên kết, trao đổi học thuật với nhiều cơ sở giáo dục hàng đầu trong nước, chương trình giảng dạy của khoa luôn có sự cập nhật, ứng dụng tích hợp những phương pháp giảng dạy tích cực, tiên tiến nhằm đưa đến những hiệu quả cao xuất trong việc đạt được những chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã đề ra.
Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh theo định hướng ứng dụng trang bị cho người học kiến thức chuyên sâu, thông thạo các nghiệp vụ trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Chương trình đào tạo giúp người học hình thành, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề trong kinh doanh, có kỹ năng thực hành chuyên nghiệp, tổ chức triển khai nghiên cứu và phân tích kết quả nghiên cứu độc lập phục vụ cho việc ứng dụng vào thực tiễn hoạt động quản trị kinh doanh của các tổ chức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; có khả năng tư vấn, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Từ mục tiêu chung, chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh trang bị cho người học những mục tiêu cụ thể: mở rộng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu có tính ứng dụng cao về quản trị kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của tổ chức; vận dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu khoa học, có tư duy độc lập, sáng tạo, có năng lực phát hiện, phân tích và giải quyết những vấn đề thực tiễn trong tổ chức; nâng cao kỹ năng đánh giá, phân tích và xử lý thông tin một cách chuyên nghiệp các vấn đề phát sinh trong quản trị kinh doanh; có phẩm chất chính trị, sức khỏe, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội; có tác phong, thái độ làm việc chuyên nghiệp, bản lĩnh nhà quản trị; năng lực tự học, tự nghiên cứu.
Ngoài việc thực hiện mục tiêu trang bị những kiến thức chuyên môn cho người học, chương trình đào tạo còn chú trọng nhấn mạnh đến việc cung cấp những kỹ năng thực hành nghề nghiệp và đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho người học. Do vậy, ngoài những phương pháp giảng dạy truyền thống, chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh còn bổ sung nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại gắn với hoạt động thực hành, thực tế. Sự kết hợp đó nhằm đưa đến những hiệu quả cao nhất có thể đạt được những chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đối với học viên cao học ngành Quản trị kinh doanh luôn rộng mở với các vị trí như: Lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên viên, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý tại các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; chuyên gia, tham mưu cho lãnh đạo trong kinh doanh, các tổ chức phi lợi nhuận, các ban quản lý dự án đầu tư, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học và các viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý, cán bộ nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý./.
Một số hình ảnh các khóa đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh:
Hội đồng xét duyệt tên đề tài luận văn Thạc sĩ - khóa 15 ngành Quản trị kinh doanh
Hiệu trưởng PGS.TS.Phạm Văn Hà trao bằng thạc sĩ cho các Tân thạc sĩ khóa 6 (2014)
Nhận bằng và chia tay mái trường của lớp CH9 QTKD
Các tân thạc sĩ Quản trị kinh doanh khóa 9 (2017)
Lớp CH12 Quản trị kinh doanh trong ngày khai giảng (2018)
TS. Hà Văn Sỹ - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh