Ngày 17/6/2023, Trường Đại học Công đoàn long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam” tại Hội trường A. Hội thảo quy tụ hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đại diện cho các cơ quan, đơn vị, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế và trong nước.
Đến tham dự và chỉ đạo tại Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Trường Đại học Công đoàn để tổ chức Hội thảo khoa học với quy mô, tầm cỡ quốc tế. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hy họng Hội thảo sẽ triển khai thực hiện tốt mục tiêu đề ra, phân tích được nhiều khía cạnh khác nhau của chính sách an sinh xã hội đến từ các góc nhìn trong nước và quốc tế; để từ đó, Ban tổ chức có căn cứ tổng hợp, chắt lọc và báo cáo kết quả với Tổng Liên đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết: “An sinh xã hội là vấn đề quan trọng và thiết yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định vai trò của an sinh xã hội và ban hành nhiều chính sách nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Ngay khi mới ở giai đoạn đầu phát triển nền kinh tế mở, ở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) Đảng ta đã chính thức đưa nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội thành một tiêu chí và coi đó là một đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội: Xây dựng xã hội mà ở đó, người dân có “cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Chính sách an sinh xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người đã được Đảng ta xác định là động lực to lớn để phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân.”. PGS.TS Lê Mạnh Hùng kỳ vọng Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam” do Trường Đại học Công đoàn tổ chức sẽ góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư, đồng thời kết nối các chuyên gia, các nhà khoa học xây dựng hệ thống giải pháp nhằm hoàn thiện và thúc đẩy chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện của các cơ sở giáo dục, các nhà quản lý trong và ngoài nước. Các báo cáo khoa học tập trung vào ba nhóm chủ đề:
Một là, hệ thống an sinh xã hội trong việc giảm thiểu rủi ro, cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội trong cuộc sống của lao động di cư trước biến động của tình hình mới;
Hai là, sự bình đẳng trong đối tượng được trợ giúp và các vấn đề trợ giúp của hệ thống an sinh xã hội đối với lao động di cư;
Ba là, sự nhận thức, trách nhiệm và các phong trào thực hiện hệ thống an sinh xã hội cho lao động di cư hiện nay.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày 5 tham luận chất lượng và nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về các chủ đề: Lĩnh vực kinh tế - xã hội của di cư lao động trong bối cảnh nước Nga; Lao động di cư trong nước và các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam; Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động di cư đến đô thị: thực trạng và giải pháp chính sách; Phân tích so sánh chính sách an sinh xã hội cho lao động di cư (và gia đình của họ) tại Việt Nam và Hoa Kỳ; Thực trạng tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế của trẻ em trong các gia đình công nhân di cư làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Lao động di cư là một xu hướng tất yếu, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, lực lượng lao động di cư dù đã có những đóng góp không nhỏ đối với kinh tế - xã hội nhưng đây vẫn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất và khó tiếp cận với các chính sách về an sinh xã hội, cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành liên quan.
Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, lao động di cư là lực lượng có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, an sinh xã hội dành cho lao động di cư rất cần thiết đối với sự phát triển toàn diện của đất nước. Đảng và Nhà nước luôn chú ý tới mục tiêu tạo sự bình đẳng cho các đối tượng lao động, trong đó có lao động di cư - là nhóm dễ bị tổn thương và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.
Những khó khăn hoặc cơ hội kinh tế, sinh kế được coi là động lực trực tiếp dẫn đến tình trạng di cư của lực lượng lao động. Lao động di cư tại Việt Nam chịu sự tác động của 2 yếu tố là nhân tố đẩy và nhân tố kéo. Trong đó, nhân tố đẩy là những yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, chính trị, văn hóa ở nơi đi như: Điều kiện sống khó khăn, thiếu việc làm, thiếu đất đai…; còn nhân tố kéo là những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa… và sự hấp dẫn từ cơ hội việc làm, thu nhập và mức sống cao hơn, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội tại nơi đến.
Sau hơn 3 giờ làm việc tập trung, nghiêm túc và hiệu quả, Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam” thành công tốt đẹp. Những chia sẻ, trao đổi trong Hội thảo được đánh giá không chỉ có tính học thuật, tổng kết thực tiễn mà còn gợi mở các giải pháp liên quan đến chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới./.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Đại biểu tham dự Hội thảo thực hiện nghi lễ dâng hương tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
TS. Rozhkov Vladimir Dmitrievich - Phó Giám đốc Học viện Lao động và Quan hệ Xã hội Liên bang Nga trình bày tham luận tại Hội thảo
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cán bộ chương trình về Dân số và Phát triển của Quỹ dân số Liên hợp quốc (được ủy quyền thay mặt bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam) trình bày tham luận
GS. TS. Đặng Nguyên Anh - Nghiên cứu viên Cao cấp, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học, Phó Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam chia sẻ tham luận
TS. Paul Dương Trần, Đại học bang California Dominguez Hills Hoa Kỳ chia sẻ tham luận
TS Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hội các Trường đào tạo Công tác xã hội trình bày tham luận
Tiết mục văn nghệ của sinh viên trường Đại học Công đoàn
TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG