Tin Nổi bật

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỔI MỚI DẠY VÀ HỌC NGÀNH LUẬT TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA CHATGPT

 

          Ngày 03/11/2023, Trường Đại học Công đoàn long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đổi mới dạy và học ngành Luật trước tác động của ChatGPT” tại Hội trường A. Hội thảo quy tụ hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đại diện cho các cơ quan, đơn vị, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức ngành Luật trong cả nước và thu hút sự quan tâm của đông đảo viên chức, người lao động, người học Trường Đại học Công đoàn.

          Đến dự và chỉ đạo tại Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Trường Đại học Công đoàn trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ những năm gần đây. Đặc biệt, Trường Đại học Công đoàn đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng mới, có tính thời sự với chủ đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tin tưởng Hội thảo sẽ thực hiện tốt các mục tiêu đề ra; đưa ra những giải pháp tối ưu nhất, phát huy tính năng, lợi thế của công cụ trí tuệ nhân tạo, đồng thời, hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội nói chung và công tác giáo dục nói riêng.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết, con người đang sống trong kỷ nguyên số hóa, nơi mà trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. ChatGPT - với khả năng xử lý thông tin và tương tác phi thường đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc dạy và học, đặc biệt là trong lĩnh vực Luật. Đây là cơ hội nâng cao chất lượng giảng dạy; tích hợp kiến thức; hỗ trợ người học trong quá trình học tập, nghiên cứu. Đồng thời, cũng đặt ra những thách thức, rủi ro về bảo mật dữ liệu, thông tin và việc phụ thuộc quá mức vào công nghệ có thể là mất những giá trị trong giáo dục. Trước xu hướng biến đổi của khoa học và công nghệ, đổi mới dạy và học bậc đại học nói chung và trong ngành Luật nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục, đơn vị đào tạo và mỗi giảng viên ngành Luật. Việc đổi mới này phải được thực hiện theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội; từ những biến đổi, sự tiến bộ và phát triển của khoa học công nghệ…, bảo đảm có tính kế thừa và tiếp thu được những giá trị hiện đại. PGS.TS Lê Mạnh Hùng hy vọng Hội thảo “Đổi mới dạy và học ngành Luật trước tác động của ChatGPT” do Trường Đại học Công đoàn tổ chức sẽ góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực giảng dạy và học tập trước sự tác động của ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 58 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện của các cơ sở giáo dục uy tín tập trung vào các nhóm chủ đề: (1) Tổng quan đổi mới dạy và học ngành Luật trong điều kiện của ChatGPT, trí tuệ nhân tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; (2) Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học các học phần ngành Luật trước tác động của ChatGPT, trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (3) Đổi mới phương pháp kiêm tra, đánh giá việc dạy và học ngành Luật trước tác động của ChatGPT; (4) Vai trò của ChatGPT và trí tuệ nhận tạo trong xây dựng học liệu; tiếp nhận ý kiến, phản hồi và tương tác, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của người học ngành Luật; (5) Yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên, sinh viên trong dạy và học ngành Luật trước tác động của ChatGPT, trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0; (6) Một số vấn đề khác liên quan đến Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày 5 tham luận chất lượng và nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về các nội dung: Góp phần nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học Luật lệ Kinh tế quốc tế (WTO, FTAs) trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Đổi mới phương pháp dạy và học các học phần ngành luật trước tác động của ChatGPT và trí tuệ nhân tạo; Tác động của ChatGPT đối với nghề pháp chế và vấn đề đặt ra đối với sinh viên Luật; Tác động của ChatGPT tới việc thay đổi phương pháp giảng dạy và học ngành Luật – nhìn từ kinh nghiệm của một số trường đại học ở Úc và liên hệ với Việt Nam; Đổi mới nội dung, phương pháp, kỹ năng thực hành, thực tập ngành Luật trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

ChatGPT - công cụ của siêu trí tuệ nhân tạo AI đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Sau thời gian làm việc nghiêm túc, hiệu quả Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới dạy và học ngành Luật trước tác động của ChatGPT” đã thành công tốt đẹp. Hội thảo là cơ sở tiếp tục nghiên cứu và phát triển để tạo ra một môi trường giáo dục hài hòa, kết hợp giữa con người và khoa học-công nghệ, đảm bảo mang lại kiến thức và giá trị thực sự cho người dạy, người học. Đặc biệt, góp phần quan trọng, hiệu quả trong việc đổi mới dạy và học ngành Luật; đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành Luật chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

  

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp –Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp, Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trình bày tham luận

TS.Nguyễn Như Hà - Trưởng khoa Luật kinh tế, Học viện Chính sách và phát triển trình bày tham luận

PGS.TS Nguyễn Long, Phó Tư lệnh Vùng I, Quân chủng Hải Quân, Bộ Quốc Phòng trao đổi

TS. Hoàng Thị Ngân - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ trình bày tham luận

TS. Phạm Quý Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu so sánh Luật Công, Viện Luật So sánh, Trường ĐH Luật Hà Nội trình bày tham luận

TS. Nguyễn Thị Yến – Trưởng bộ môn thương mại, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường ĐH Luật Hà Nội trình bày tham luận

  Đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi 

Đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi

 

Đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi

 

Đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi

 

Đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi

 

Đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

 

Tin liên quan
Top