Ngày 19/5/2025 đánh dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam – kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 – 19/5/2025). Đối với Trường Đại học Công đoàn, ngày này càng thêm ý nghĩa khi ghi dấu 33 năm chuyển tên từ Trường Cao cấp Công đoàn thành Trường Đại học Công đoàn (19/5/1992 – 19/5/2025). Nơi đây tự hào là địa điểm từng 5 lần đón Bác Hồ về thăm, để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà trường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sau này lấy tên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, và cuối cùng là Hồ Chí Minh, sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, Người sớm mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn. Với tầm nhìn chính trị sắc bén, Người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, bôn ba khắp thế giới để tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Trong gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã tham gia nhiều phong trào cách mạng quốc tế, từ việc gửi bản yêu sách đến Hội nghị Versailles (1919) với tên Nguyễn Ái Quốc, đến việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1930). Người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, giành độc lập năm 1945, và đặt nền móng cho một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cuộc đời Người là biểu tượng của lòng hy sinh, đạo đức cách mạng, và chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Như UNESCO đã khẳng định, Hồ Chí Minh là “biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là người đặt nền móng cho tổ chức Công đoàn Việt Nam. Với tầm nhìn sâu sắc, Người sớm nhận ra vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Tháng 4/1946, khi các đồng chí lãnh đạo Hội Công nhân cứu quốc xin ý kiến, Bác đã chỉ đạo thành lập tổ chức Công đoàn và mở lớp đào tạo cán bộ công đoàn đầu tiên. Ngày 15/5/1946, lớp cán bộ Công Vận được khai mạc tại đình Khuyến Lương, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì (nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đánh dấu bước khởi đầu cho lịch sử Trường Đại học Công đoàn.
Trường Đại học Công đoàn vinh dự được Bác Hồ năm lần đến thăm vào các năm 1957 (tháng 1 và tháng 12), 1958, 1959, và 1962. Những lời dạy của Bác trong các lần thăm đã trở thành kim chỉ nam cho Nhà trường: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt.” Ngày 19/5/1992, Quyết định số 147-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã đổi tên Trường Cao cấp Công đoàn thành Trường Đại học Công đoàn, khẳng định vị thế của một cơ sở đào tạo hàng đầu phục vụ phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ngày 19/01/1957, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ giáo viên, công nhân và học sinh, sinh viên Trường Cán bộ Công đoàn (Ảnh tư liệu)

Những lần Bác đến thăm là tài sản tinh thần vô giá, truyền cảm hứng cho các thế hệ viên chức, người lao động, người học Nhà trường. Với truyền thống và bề dày lịch sử, Trường Đại học Công đoàn tiếp tục phát huy sức mạnh và sứ mệnh đào tạo cán bộ công đoàn có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ Công đoàn xí nghiệp tại Trường Cán bộ Công đoàn tháng 12/1957. (Ảnh tư liệu)
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890–19/5/2025), Trường Đại học Công đoàn long trọng tổ chức lễ dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Nhà trường. Trong không khí trang nghiêm, tập thể viên chức, người lao động, người học đã thành kính dâng lên những nén hương thơm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Lễ dâng hương không chỉ là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hoạt động này tiếp tục khẳng định truyền thống uống nước nhớ nguồn, củng cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Bác đã chọn.

Banner chào mừng của Trường Đại học Công đoàn nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025)
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để toàn thể viên chức, người lao động, và người học Trường Đại học Công đoàn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người. Đây cũng là thời điểm để Nhà trường khẳng định quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, gắn với tuyên truyền công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025–2030, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, như định hướng trong Hướng dẫn số 88-HD/ĐUK ngày 16/5/2025 của Đảng uỷ khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội.
Trường Đại học Công đoàn tích cực thi đua dạy tốt, học tốt, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô và đất nước phát triển nhanh, bền vững. Nhà trường kêu gọi viên chức, người lao động, người học tiếp tục thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng một Việt Nam hùng cường bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
KHOA TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG