Tin Nổi bật

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - MỐC SON CHÓI LỌI TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM

 

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, đời sống Nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn kiên quyết đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước, với niềm tin tất thắng. 

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, quân và dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, làm nên các chiến thắng vang dội Việt Bắc thu đông năm 1947, Biên Giới năm 1950. Chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào thắng lợi làm cho vùng giải phóng của ta được mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố, lực lượng vũ trang cách mạng trưởng thành nhanh chóng.

Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường khiến thực dân Pháp dấn sâu vào thế bị động. Để cứu vãn tình hình, Chính phủ Pháp thay đổi chỉ huy và kế hoạch tác chiến. Tháng 5/1953, tướng Hăngri Nava được cử sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, với kế hoạch quân sự Nava. Nhiệm vụ trung tâm của kế hoạch này là đến năm 1954, tổ chức khối chủ lực gấp 3 lần số quân hiện có, giành lại thế chủ động trên tất cả các chiến trường chính. Đây là cố gắng cao nhất của đối phương trong cuộc chiến tranh Đông Dương. 

Nhận rõ thủ đoạn của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava, giữa tháng 11/1953, bộ đội chủ lực được lệnh tiến lên Tây Bắc. Nava buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm chặn bước tiến của quân ta. Kế hoạch Nava bị đảo lộn, chúng phải phân tán lực lượng để đối phó. Tập trung mọi cố gắng, với sự giúp đỡ của Mỹ, Nava xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, gồm 49 lô cốt, chia thành 3 phân khu, với 2 sân bay, tập trung hơn 16.200 tên lính. Chúng coi đây là “một pháo đài bất khả xâm phạm”, “con nhím khổng lồ” giữa núi rừng tây bắc, “quả đấm thép” vào Việt Minh.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh mặt trận. Bộ Chính trị phê duyệt phương châm đánh Điện Biên Phủ là “đánh nhanh thắng nhanh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Người dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. 

Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành rất khẩn trương. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, nhân dân nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, sẵn sàng tiến công địch. 

Đúng 17h00 phút ngày 13/3/1954, bộ đội ta được lệnh nổ súng bắt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, “máu trộn bùn non gan không núng, chí không mòn”, quân ta đã bức 49 lô cốt, bắt sống 16.200 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị của địch ở Điện Biên Phủ. Vào lúc 17h30 phút ngày 7/5/1954, Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tung bay trên nóc hầm của sở chỉ huy địch, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn. Thắng lợi này đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

A logo with a flag and numbers

Description automatically generated

Thiết kế Logo: Tô Minh Trang (Hà Nội)

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập. Ba tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ vang lên khắp mọi nơi, trở thành niềm tự hào và khát vọng tự do của loài người tiến bộ. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) vẫn là chiến công hiển hách, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi trong thế kỷ XX. Đây là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Thông qua đó chúng ta cùng ôn lại, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, viên chức, nhất là thế hệ trẻ, thanh niên, sinh viên. Đây cũng là cơ hội để các thế hệ hôm nay được động viên khích lệ nhân dân các dân tộc Tây Bắc; tôn vinh, tri ân người có công với cách mạng, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã đóng góp công sức, xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng, phát triển Điện Biên nói riêng và đất nước nói chung ngày càng giàu mạnh. Ý nghĩa, tầm vóc, những bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

                                                          KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

 

 

Tin liên quan
Top