Tin Nổi bật

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI VÀ 32 NĂM NGÀY CHUYỂN TÊN TRƯỜNG

 

Ngày 19/5 là ngày ghi dấu đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, đó là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Trường Đại học Công đoàn càng thêm tự hào khi nơi đây đã từng lưu dấu chân Người 5 lần về thăm. Đối với tập thể viên chức, người lao động, người học Nhà trường, ngày 19/5 còn đặc biệt hơn nữa, bởi đó là ngày ghi dấu mốc quan trọng có ý nghĩa chính trị “chuyển Trường Cao cấp Công đoàn thành Trường Đại học Công đoàn”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân sinh ngày 19/5/1890 tại quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lăng và đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhân dân bị nô lệ, đói khổ, lầm than. Quê hương có truyền thống anh dũng, chống giặc ngoại xâm. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, với sự sáng suốt về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước hồi đó và quyết tâm đi tìm con đường đúng đắn để cứu dân, cứu nước. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người Cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và dâng hiến cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hoà bình và công lý trên thế giới.

Sinh thời, Bác Hồ dành nhiều tình cảm cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Không những là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Bác chính là người đặt nền móng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Bác sớm nhận thức và khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 4 năm 1946, một số đồng chí Lãnh đạo Hội Công nhân cứu quốc như Trần Danh Tuyên, Trần Cư… đến xin ý kiến Bác Hồ và Trung ương thành lập tổ chức công đoàn và mở rộng lớp đào tạo cán bộ công đoàn đầu tiên. 

Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 15/5/1946, lớp cán bộ Công Vận đầu tiên được khai mạc tại đình Khuyến Lương, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, (nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Sự kiện này đã mở đầu cho lịch sử xây dựng và phát triển của Trường Đại học Công đoàn. 

Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ học viên Trường Cán bộ Công đoàn. Ảnh tư liệu

Ngày 19/5/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Quyết định số 147-CT, về việc đổi tên Trường Cao cấp Công đoàn thành Trường Đại học Công đoàn. Dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa chính trị đặc biệt, khẳng định vị thế, thương hiệu của cơ sở đào tạo cán bộ phục vụ cách mạng, phục vụ phong trào công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Với tình cảm và sự quan tâm đến sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn, Bác Hồ đã 5 lần đến thăm Trường Đại học Công đoàn - cái nôi đào tạo cán bộ Công đoàn Việt Nam, đó là vào các năm 1957 (tháng 1 và tháng 12); 1958; 1959 và 1962. Những lời Bác Hồ dạy qua 5 lần đến thăm đã trở thành kim chỉ nam và định hướng cho Nhà trường trong công tác đào tạo và xây dựng các thế hệ cán bộ cho tổ chức Công đoàn các cấp. Nhà trường luôn coi kỷ niệm về những lần Bác Hồ đến thăm là tài sản vô giá và có giá trị giáo dục truyền thống.

    Ngày 19/1/1957 Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ giáo viên, công nhân và học sinh, sinh viên Trường Cán bộ Công đoàn. Ảnh tư liệu.

Chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 78 năm ngày thành lập Trường Đại học Công đoàn (15/5/1946 - 15/5/2024), 32 năm ngày đổi tên từ Trường Cao cấp Công đoàn thành Trường Đại học Công đoàn (19/5/1992 - 19/5/2024), toàn thể viên chức, người lao động, người học tích cực thi đua dạy tốt học tốt và luôn ghi sâu những lời dạy ân tình của Bác: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”./.

 

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

 

 

 

Tin liên quan
Top