Tin Hoạt động

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG ĐOÀN THĂM VIẾNG KHU TƯỞNG NIỆM ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH

Hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) và 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023), sáng ngày 26/7/2023, Trường Đại học Công đoàn đã tổ chức thăm viếng khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại quê hương đồng chí - Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và Nhà tưởng niệm tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

 

Tham gia đoàn công tác có TS. Lê Cao Thắng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS Lê Mạnh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Đức Tĩnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Xuân Hòa - Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn Trường; lãnh đạo các đơn vị cùng các đồng chí Ban Chấp hành Công đoàn Trường.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một trong những người sáng lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay). Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ đặc biệt có ý nghĩa đối với phong trào công nhân Việt Nam và hoạt động tổ chức Công đoàn. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Hồ Ngọc Lân sinh năm 1906 tại phố Niềm Thắng, thị xã Bắc Ninh, nay là khu 4, phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 4/1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1928, đầu năm 1929, đồng chí đã tổ chức thành lập Chi bộ Thanh niên trong các đơn vị binh lính khố đỏ ở thành phố Bắc Ninh. Tháng 7/1929, đồng chí Hồ Ngọc Lân tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở liên tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tháng 8/1929, đồng chí tham gia ban Tỉnh ủy. Tháng 11/1929, đồng chí bị mật thám Pháp bắt.

5 giờ sáng ngày 31-7-1932, tại Đề lao Hải Phòng, thực dân Pháp đã thi hành bản án tử hình đối với Hồ Ngọc Lân và Nguyễn Đức Cảnh. Trước cái chết, Hồ Ngọc Lân và Nguyễn Đức Cảnh đã lớn tiếng đòi không được trói, không bịt mắt, rồi bình tĩnh, hiên ngang bước lên máy chém, làm cho quân thù khiếp sợ.

Tinh thần hy sinh cao cả, cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân được Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi ghi ơn. Tấm gương bất tử của người cộng sản kiên trung, bất khuất Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân không chỉ là công trình văn hóa mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa tâm linh mà còn là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Thái Thụy-Thái Bình (ảnh Internet)

Tại quê hương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong không khí trang nghiêm, thành kính đoàn cán bộ Trường Đại học Công đoàn đã dâng hương tại 4 khu vực: Đài tưởng niệm, khu lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân, nhà tưởng niệm; nhà thờ tổ dòng họ Nguyễn Đức. Trước anh linh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân, các đại biểu nguyện kiên định đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn; noi gương và học tập những phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn; ra sức thi đua học tập, rèn luyện trong công tác; góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh…

Đoàn công tác trường Đại học Công đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng

 

Cùng ngày, Đoàn tiếp tục đến dâng hương Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Bày tỏ lòng biết ơn vô hạn về những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và vì hạnh phúc của Nhân dân, toàn thể viên chức, người lao động, người học Nhà trường quyết tâm phát huy trí tuệ, đoàn kết thống nhất cùng xây dựng và phát triển Trường Đại học Công đoàn ngày một vững mạnh ./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

 

Đoàn đại biểu dâng hương tại Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

Đoàn đại biểu dâng hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng

Ban Lãnh đạo Trường Đại học Công đoàn nhận quà tặng từ Ban quản lý Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng

 

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG


 

Tin liên quan
Top