Tin Hoạt động

TỌA ĐÀM VỀ THỰC TRẠNG NĂNG LỰC NGHIÊN CỨU, QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG


Ngày 24/6/2024 tại Trường Đại học Hải Phòng đã diễn ra Tọa đàm khoa học “Thực trạng năng lực nghiên cứu, quản lý khoa học và công nghệ trong tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Tọa đàm là hoạt động thuộc khuôn khổ đề tài khoa học cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lý khoa học - công nghệ trong tổ chức Công đoàn Việt Nam”, do TS. Nguyễn Huy Khoa, Phó trưởng Khoa Luật làm chủ nhiệm.

Tham dự Tọa đàm, về phía Trường Đại học Hải Phòng có TS. Trần Quốc Tuấn - Phó Hiệu trưởng; TS. Phạm Hương Giang - Phó Chủ tịch Công đoàn trường, Trưởng ban Nữ công; TS. Trần Nam Phong - Phó Chủ tịch Công đoàn trường; TS. Trần Nam Trung - Phó Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; đại diện các thầy cô giáo là chủ tịch, phó chủ tịch, tổ trưởng các công đoàn bộ phận/đơn vị và nhóm nghiên cứu mũi nhọn của Trường. Về phía Trường Đại học Công đoàn có TS. Nguyễn Huy Khoa - Phó trưởng Khoa Luật, chủ nhiệm đề tài và các thành viên nhóm nghiên cứu.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Trần Quốc Tuấn - Phó Hiệu trưởng khẳng định tầm quan trọng của Tọa đàm, cụ thể, trong bối cảnh toàn ngành thực hiện nhiều đổi mới trong dạy và học để đáp ứng yêu cầu của xã hội, tổ chức Công đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc động viên, hỗ trợ nhà giáo học tập nâng cao trình độ. Công đoàn không chỉ chịu trách nhiệm giám sát, bảo vệ quyền lợi cho cán bộ, nhà giáo và người lao động mà còn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục. Thực tế cho thấy, nơi nào có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, chuyên môn và các đoàn thể chính trị sẽ gặt hái nhiều thành công trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu KH&CN.

Tại Trường Đại học Hải Phòng, thực hiện Đề án “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tháng 01 năm 2024, Nhà trường đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển hoạt động Khoa học - Công nghệ Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Hội thảo đã đề xuất 05 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN của Nhà trường, trong đó có giải pháp “Công đoàn trường cùng phối hợp với Nhà trường trong việc vận động cán bộ viên chức tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước, viết báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus..., đồng hành cùng cán bộ viên chức trong nghiên cứu khoa học”. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu KH&CN luôn là vấn đề quan trọng nhất của tất cả các trường đại học trong và ngoài nước. Vì vậy, phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu KH&CN là nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường đại học nói chung. Mỗi công trình nghiên cứu của cán bộ, giảng viên được xã hội đánh giá và ghi nhận là một lần khẳng định vị thế của Nhà trường. Công đoàn vừa góp sức trong việc nâng cao hoạt động KH&CN của Trường, qua đó xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của các cấp Công đoàn.

TS. Trần Quốc Tuấn cảm ơn Trường Đại học Công đoàn và nhóm nghiên cứu đề tài cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn Trường Đại học Hải Phòng là địa điểm tổ chức buổi Tọa đàm; đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, là diễn đàn cởi mở, thẳng thắn để các thầy cô trao đổi kinh nghiệm cũng như những khó khăn từ đó đưa ra những giải pháp, chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

TS. Trần Quốc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng 

phát biểu khai mạc

Tọa đàm là dịp để các cán bộ công đoàn, các nhà khoa học, các thầy cô giáo cùng thảo luận, đánh giá khách quan thực trạng năng lực nghiên cứu, quản lý hoạt động KH&CN và các chính sách liên quan tại cấp Công đoàn cơ sở, trực tiếp là Công đoàn Trường Đại học Hải Phòng - đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng.

Giới thiệu khái quát về đề tài khoa học cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lý khoa học - công nghệ trong tổ chức Công đoàn Việt Nam”, TS. Nguyễn Huy Khoa chia sẻ, một trong các hoạt động trong khuôn khổ đề tài, đó là tổ chức Tọa đàm khoa học về thực trạng năng lực nghiên cứu, quản lý KH&CN trong tổ chức Công đoàn Việt Nam tại các cấp Công đoàn. Các hoạt động trước, nhóm nghiên cứu đã tổ chức Tọa đàm tại Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương, và hôm nay tổ chức tại Trường Đại học Hải Phòng, trong đó Công đoàn Trường Đại học Hải Phòng là đơn vị cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố Hải Phòng. Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của tổ chức Công đoàn trong vấn đề nâng cao chất lượng nghiên cứu, quản lý KH&CN trong các trường đại học hiện nay; qua đó tìm ra các giải pháp để tổ chức Công đoàn góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu chung của Nhà trường nói riêng, cũng như cho tổ chức Công đoàn nói chung.

TS. Nguyễn Huy Khoa phát biểu đề dẫn tọa đàm

Tọa đàm đã trao đổi, chia sẻ, thảo luận 06 vấn đề chính:

- Tổng quan công tác nghiên cứu, quản lý KH&CN hiện nay của Nhà trường.

- Vai trò của Công đoàn trường trong hoạt động nghiên cứu, quản lý KH&CN của đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động.

- Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, quản lý KH&CN của đoàn viên công đoàn Nhà trường.

- Tiếp cận thông tin KH&CN của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

- Một số giải pháp của Công đoàn với nhiệm vụ nâng cao chất lượng nghiên cứu, quản lý KH&CN hiện nay của Nhà trường.

- Kiến nghị các chính sách liên quan đến hoạt động KH&CN đối với Công đoàn trường, Nhà trường, LĐLĐ thành phố Hải Phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thực tế cho thấy, cùng với hoạt động giảng dạy thì nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ không thể thiếu đối với mỗi giảng viên. Giảng viên thật sự giỏi phải là người biết làm nghiên cứu khoa học, và khi có nhiều công trình nghiên cứu sẽ tạo cho giảng viên bản lĩnh khoa học, bổ sung thêm kiến thức cho bài giảng. Giảng viên có nhiều hoạt động KH&CN sẽ có cách trình bày bài giảng logic, rõ ràng và thuyết phục.

Để khuyến khích hoạt động KH&CN, đặc biệt với cán bộ, giảng viên trẻ, Công đoàn Nhà trường trở thành cầu nối giữa giảng viên kỳ cựu, có nhiều công trình khoa học lớn với cán bộ, giảng viên trẻ thông qua các hợp đồng nghiên cứu nhỏ. Công đoàn cũng vận động đoàn viên viết đề xuất đề tài KH&CN các cấp, tìm kiếm các thông tin hội thảo khoa học trong và ngoài nước để tham gia viết bài tham dự, viết bài tham luận cho các hội thảo, bài cho các tạp chí khoa học… Những việc làm tuy nhỏ nhưng qua đó giúp công đoàn viên có được khối kiến thức về KH&CN.

Bên cạnh việc động viên đoàn viên tham gia nghiên cứu KH&CN, việc khuyến khích, khen thưởng cho các công đoàn viên có đề tài và công bố bài báo cũng được chú trọng. Phần thưởng vật chất không lớn nhưng có ý nghĩa tinh thần, trở thành động lực để công đoàn viên trong toàn trường cùng nhau tích cực tham gia viết đề xuất đề tài và bài báo công bố.

Phần cuối buổi Tọa đàm, nhóm nghiên cứu đề tài đã hướng dẫn các đại biểu trả lời phiếu khảo sát, thực hiện phỏng vấn sâu bằng phần mềm quản lý dữ liệu KH&CN REDCap. 

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm khoa học:

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm

TS. Phạm Hương Giang - Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Nữ công, Trường Đại học Hải Phòng phát biểu

TS. Trần Nam Trung - Phó Trưởng Phòng Khoa học công nghệ 

và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Hải Phòng phát biểu

TS. Nguyễn Quang Tú - Giảng viên, Trưởng nhóm nghiên cứu 

Khoa Xây dựng, Trường Đại học Hải Phòng phát biểu

 

ThS. Nguyễn Thị Dung - Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường Đại học Hải Phòng phát biểu

 

TS. Nguyễn Thúy An - Giảng viên Khoa Du Lịch, Trường Đại học Hải Phòng phát biểu

 

ThS. Trần Thị Thanh - Phòng Quản lý khoa học


 

Tin liên quan
Top