Tin Hoạt động

TỌA ĐÀM THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG VIỆC THÚC ĐẨY ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

          Nằm trong chuỗi hoạt động nghiên cứu đề tài khoa học cấp Tổng Liên đoàn về: “Vai trò của Công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp”, do TS. Lê Thị Thúy Ngà, Phó trưởng khoa Công tác xã hội làm chủ nhiệm, ngày 22/8 tại tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Công đoàn phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An tổ chức tọa đàm: “Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp” nhằm chia sẻ và trao đổi về vai trò của Công đoàn tỉnh Nghệ An trong việc tạo tạo động lực làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp hiện nay.

        Chủ trì tọa đàm có đồng chí Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An và TS. Lê Thị Thúy Ngà, Phó trưởng khoa Công tác xã hội; tham dự tọa đàm có đại biểu của LĐLĐ tỉnh Nghệ An; Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động; Sở Lao động thương binh và xã hội; Sở Công Thương; Sở Xây dựng; Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và 10 đại diện cán bộ lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp và cán bộ công đoàn cơ sở. Đến đưa tin tọa đàm có các phóng viên, báo chí tỉnh, tọa đàm đã nghe 09 tham luận của các đại biểu tham dự chia sẻ và làm rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thúc đẩy động lực làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp.

 

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm

Các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm đều đánh giá cao vai trò của hoạt động công đoàn ở cơ sở hiện nay trong việc tạo động lực làm việc cho người lao động tại doanh nghiệp. Cụ thể, tổ chức Công đoàn đã phát huy được vai trò của mình trong việc giải quyết những tranh chấp, đình công trong doanh nghiệp. Với người lao động, vấn đề cốt lõi nhất là đảm bảo thu nhập và tiền lương, đây là mong muốn để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động hiện nay. Vậy phải làm thế nào để người lao động có việc làm thỏa đáng, việc làm đầy đủ về quyền con người, việc làm phải đảm bảo an sinh, an toàn cho người lao động trong môi trường điều kiện làm việc phù hợp. Đồng thời, cần tạo quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, hiện nay cán bộ công đoàn còn kiêm nhiệm và chịu sự điều hành của doanh nghiệp nên chưa phát huy được khả năng và nội lực của mình.

 

Các đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm

Các tham luận cũng đề xuất một số giải pháp nhằm khẳng định vị trí và vai trò của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy động lực cho người lao động hiện nay đồng thời phải thực hiện cải tiến và đổi mới sáng tạo trong tổ chức các hoạt động công đoàn, đảm bảo tính dân chủ và xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, cán bộ công đoàn cần luôn luôn lắng nghe ý kiến của người lao động để có những đề xuất, trao đổi phù hợp với doanh nghiệp. Đặc biệt, các ý kiến cũng cho rằng cán bộ công đoàn phải độc lập và đề xuất cán bộ công đoàn hưởng ½ lương từ tổ chức công đoàn.

     Kết thúc nội dung tham luận, TS. Lê Thị Thúy Ngà đã đặt ra một số vấn đề trao đổi và được các đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ như: đánh giá về vai trò của công đoàn trong tạo động lực làm việc đối với người lao động; những hạn chế, khó khăn của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy động lực làm việc cho người lao động; vấn đề đào tạo và nâng cao trình độ trong doanh nghiệp; mối quan hệ với đồng nghiệp, với người sử dụng lao động; các yếu tố về lương, thưởng, điều kiện làm việc...

Sau đây là một số hình ảnh của buổi toạ đàm khoa học:

 

Các đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm

 

Đồng chí Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An phát biểu tại tọa đàm

 

Đồng chí Lê Thị Thúy Ngà phát biểu tại tọa đàm

 

 

TS. Nguyễn Thị Phương Mai – Giảng viên Khoa Công tác Xã hội

Tin liên quan
Top