Tiếp nối thành công của Tọa đàm khoa học được tổ chức tại các đơn vị thuộc Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố khu vực miền Nam, ngày 11/6/2024, Trường Đại học Công đoàn đã phối hợp với LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng năng lực nghiên cứu, quản lý khoa học và công nghệ trong tổ chức Công đoàn Việt Nam” tại hội trường LĐLĐ thành phố Hà Nội. Tọa đàm là hoạt động trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lý khoa học - công nghệ trong tổ chức Công đoàn Việt Nam”, do TS. Nguyễn Huy Khoa, Phó trưởng Khoa Luật làm chủ nhiệm.
Tham dự Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; TS. Nguyễn Huy Khoa - Phó trưởng Khoa Luật, chủ nhiệm đề tài và các thành viên nhóm nghiên cứu; đại diện Lãnh đạo các Ban thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội; đại diện Lãnh đạo Công đoàn ngành Giáo dục, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải Hà Nội; đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội, Trường Trung cấp nghiệp vụ và dạy nghề Công đoàn Hà Nội và đại biểu các Công đoàn cơ sở, Công đoàn ngành trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh hoạt động KH&CN có vai trò vô cùng quan trọng trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động Công đoàn, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trước yêu cầu: “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KH&CN”, “quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công nhân, công đoàn trong tình hình mới” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; nhằm giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề mới và lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH&CN trong toàn hệ thống.
Trên tinh thần đó, ngày 22/02/2022, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-BCH về đẩy mạnh công tác NCKH, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng NCKH phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, trong đó có vai trò quan trọng, đi đầu của các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo của hệ thống công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội
phát biểu khai mạc
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Nguyễn Huy Khoa, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “việc tổ chức Tọa đàm với mục tiêu đánh giá thực trạng năng lực nghiên cứu, quản lý hoạt động KH&CN tại các đơn vị trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, từ đó phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực nghiên cứu, quản lý KH&CN, đồng thời phân tích các tác động trực tiếp và gián tiếp của hoạt động KH&CN đến hoạt động của tổ chức Công đoàn; thực trạng và giải pháp gắn kết giữa tổ chức Công đoàn với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu… lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu về hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy sự phát triển, nâng tầm vị thế của tổ chức Công đoàn trong hoạt động nghiên cứu, quản lý KH&CN trong bối cảnh hiện nay”.
TS. Nguyễn Huy Khoa phát biểu đề dẫn tọa đàm
Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thảo luận của các đại biểu. Trong đó, PGS.TS. Hồ Sỹ Tâm - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Thủy Lợi chia sẻ: “Công đoàn Trường Đại học Thủy Lợi là đơn vị trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội, tuy nhiên từ trước đến nay chúng tôi đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục, Bộ KH&CN… thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý; đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Các nghiên cứu liên quan đến vai trò của Công đoàn hoặc các nhiệm vụ nghiên cứu cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì chúng tôi chưa được tham gia. Vì vậy, rất mong đề tài sớm đi vào thực tế trong thời gian tới, để Công đoàn Trường Đại học Thủy Lợi nói riêng và nhiều đơn vị Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố có thể được đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu cấp Tổng Liên đoàn, góp phần thúc đẩy sự tham gia của các Công đoàn cơ sở và người lao động trong phong trào nghiên cứu KH&CN của tổ chức Công đoàn Việt Nam”.
PGS.TS. Hồ Sỹ Tâm - Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Thủy Lợi phát biểu
Đồng chí Nguyễn Thị Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội chia sẻ: “ở các vị trí, cương vị khác nhau thì việc cán bộ và đoàn viên Công đoàn tham gia nghiên cứu KH&CN có thể ở nhiều công đoạn khác nhau, ví dụ có thể tham gia vào việc cung cấp thông tin hoặc tham gia vào các vị trí trong nhóm nghiên cứu hoặc là có thể là hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nghiên cứu. Vấn đề quan trọng để được duyệt đề xuất nghiên cứu, là phải thể hiện rõ được cơ sở thực tiễn liên quan đến công nhân, công đoàn như các quyền lợi về an sinh xã hội…, tính ứng dụng cao và có thể mở rộng mô hình sau khi nghiên cứu”.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ Người lao động Công đoàn Hà Nội phát biểu
Bên cạnh đó nhiều ý kiến khác như: Cần đổi mới chính sách, tổ chức, quản lý, nguồn lực phát triển KH&CN trong hệ thống Công đoàn; đảm bảo cân đối, hài hòa giữa nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, khoa học kỹ thuật, an toàn, vệ sinh lao động…; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm ở các cấp Công đoàn cơ sở trong hoạt động nghiên cứu KH&CN. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các Công đoàn cơ sở trong công tác nghiên cứu KH&CN thông qua các hoạt động như tập huấn, tuyên truyền…
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Huy Khoa cho biết, các ý kiến được nêu ra trong Tọa đàm sẽ được tập hợp, phân tích và tổng hợp thành báo cáo, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý hoạt động KH&CN trong tổ chức Công đoàn; kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế chính sách, thúc đẩy hoạt động KH&CN trong tổ chức Công đoàn để gia tăng về số lượng nhiệm vụ có tính ứng dụng thực tế cao, công bố quốc tế, bằng sáng chế, và chuyển giao công nghệ một cách mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt là tận dụng nguồn lực lớn từ các cấp Công đoàn cơ sở như các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo…
Kết thúc buổi tọa đàm, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài đã hướng dẫn các đại biểu trả lời phiếu khảo sát, thực hiện phỏng vấn sâu bằng phần mềm quản lý dữ liệu KH&CN REDCap với lãnh đạo quản lý, cán bộ Công đoàn từng làm nghiên cứu khoa học tại các đơn vị.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm khoa học:
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm
Đồng chí Đỗ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát biểu
PGS.TS. Nguyễn Thị lan - Phó trưởng khoa pháp luật dân sự,
Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng
Trường Trung cấp Nghiệp vụ và Dạy nghề Công đoàn Hà Nội phát biểu
Bảng hỏi được thực hiện trên phần mềm quản lý dữ liệu KH&CN REDCap
ThS. Trần Thị Thanh - Phòng Quản lý khoa học