Tin Hoạt động

NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ NHIỆM VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA - ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN NƯỚC TA THAM GIA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI

           Chiều 26/09/2022, tại Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, tổ chức nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia: “Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong điều kiện nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do TS. Lê Cao Thắng Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công đoàn làm chủ nhiệm đề tài.

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Về phía Hội đồng nghiệm thu gồm có 9 thành viên: ThS. Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng); TS. Đỗ Trần Hải - Viện KHAT&VSLĐ (Phó chủ tịch Hội đồng)các thành viên đến từ Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các trường Đại học.

Về phía nhóm nghiên cứu khoa học có TS. Lê Cao Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công đoàn (Chủ nhiệm đề tài); TS. Nguyễn Mạnh Thắng (Thư ký đề tài) và thành viên tham gia.

Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn; xác lập hệ thống các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong điều kiện Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể, đề tài tập trung vào 5 mục tiêu: Nghiên cứu và xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam; Phân tích, đánh giá thực trạng, cơ hội, thách thức của tổ chức Công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghiên cứu và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghiên cứu và đề xuất, xây dựng kế hoạch hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong điều kiện mới; Nghiên cứu và đề xuất các vấn đề liên quan về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong nội dung sửa đổi pháp luật về lao động và công đoàn; sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam tại Đại hội XIII (2023-2028). Ngoài ra đề tài còn phân tích, tham khảo kinh nghiệm thực hiện yêu cầu của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới về mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn của Công đoàn các nước quốc tế thực hiện yêu cầu Hiệp định CPTPP và bài học kinh nghiệm về đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, TS. Lê Cao Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công đoàn - chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tóm tắt đề tài nghiên cứu, đề ra những khó khăn, những hạn chế trong tổ chức công đoàn nước ta khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. TS. Lê Cao Thắng nhấn mạnh: để nâng cao năng lực, trình độ cho NLĐ, đánh giá được cơ hội, thách thức của tổ chức, góp phần quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Công đoàn Việt Nam với các cơ quan Nhà nước phải luôn phối hợp với nhau trong việc xây dựng chính sách pháp luật có liên quan như các chính sách thu hút đầu tư, chính sách đào tạo nguồn lực, các khung chương trình đào tạo cụ thể, khắc phục những tồn tại hạn chế của nguồn nhân lực, đổi mới nội dung hoạt động công đoàn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với các hoạt động Công đoàn; các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; xây dựng bộ máy tổ chức công đoàn đủ sức đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỷ luật cho NLĐ.

TS. Lê Cao Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công đoàn báo cáo tóm tắt đề tài

Sau khi nghe phần báo cáo của TS. Lê Cao Thắng, Hội đồng nghiệm thu đã có những nhận xét, góp ý vô cùng thiết thực. Những nhận xét của Hội đồng là cơ sở để đề tài tiếp tục hoàn thiện, đạt hiệu quả cao nhất trong công cuộc đổi mới hệ thống Công đoàn, khắc phục những hạn chế tồn đọng đã có. Để từ đó, có cơ sở giúp NLĐ có nhiều cơ hội nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề cũng như được đảm bảo quyền lợi tốt hơn bởi các tiêu chuẩn lao động quốc tế được thực thi nghiêm ngặt.

Hội đồng nghiệm thu đề tài

Cuối cùng, Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài trên cơ sở số liệu và kết quả đã nghiên cứu, những ý kiến tham luận của nhóm nghiên cứu góp phần xây dựng chính sách, pháp luật và phương thức bảo vệ NLĐ từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Cần phân tích những đổi mới trong bối cảnh hiện nay, nâng cao chất lượng thương lượng và đối thoại, hướng tới thực chất và hiệu quả; nâng cao chất lượng, kịp thời phổ biến, tư vấn, hỗ trợ NLĐ về pháp luật, nhất là trong các vụ khởi kiện tại tòa án; tăng cường vai trò của Công đoàn trong công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Nguyễn Ngọc Gia Bảo- Trung tâm Truyền thông và Quan hệ Công chúng.

Tin liên quan
Top