Tin Hoạt động

NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐÊ TÀI KHOA HỌC CẤP TỔNG LIÊN ĐOÀN- GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỈNH NAM ĐỊNH

   

Ngày 24/4/2024, tại Trường Đại học Công đoàn, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam “Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định” do TS. Đoàn Thục Quyên, Trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Công đoàn là Chủ nhiệm đề tài đã được đánh giá, nghiệm thu.

Tham dự chương trình, ngoài Hội đồng nghiệm thu còn có sự hiện diện của TS. Trần Huy Quang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định; Ông Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và thị trường; Ông Lưu Mạnh Hùng, chuyên viên phòng Quản lý Công nghệ và thị trường; Lãnh đạo các đơn vị của trường Đại học Công đoàn; các thầy, cô giáo và học viên, sinh viên quan tâm đến chương trình.

Quang cảnh Hội đồng 

 

Hội đồng khoa học đã tiến hành đánh giá nghiệm thu đề tài “Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định” theo Quyết định số 490/QĐ-ĐHCĐ ngày 12 tháng 4 năm 2024. 

Hội đồng nghiệm thu gồm 07 thành viên: PGS. TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn là Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS. Vũ Thị Kim Anh, Phó trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Công đoàn – Phó chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Anh Trụ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Uỷ viên phản biện; ThS Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu QLKT Trung ương – Uỷ viên phản biện; TS Hoàng Thanh Tuyền, Quyền trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Công đoàn – Uỷ viên; TS. Hà Văn Sỹ, Giảng viên chính, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công đoàn - Uỷ viên; ThS Lê Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Khoa học, Trường Đại học Công đoàn - Ủy viên thư ký.

 

PGS. TS. Lê Mạnh Hùng- Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành Hội đồng nghiệm thu

 

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng, TS. Đoàn Thục Quyên – Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu. TS. Đoàn Thục Quyên cho rằng, đây là đề tài mới trong xu hướng nghiên cứu, có tính thời sự cao. Mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khoá để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là nền sản xuất thô về sản phẩm, thấp về chất lượng, tiêu tốn nhiều nguồn lực, ứng dụng KH&CN thấp. Mặc dù đã có những định hướng phát triển của nhà nước cũng như nhiều địa phương về việc phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng việc triển khai trong thực tế còn vướng phải rất nhiều khó khăn. 

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đoàn Thục Quyên trình bày chi tiết nội dung đề tài gồm 3 phần: (1) Cơ sở lý luận về mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; (2) Thực trạng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định; (3) Một số giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nam Định.

 

TS. Đoàn Thục Quyên - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu 

 

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả đề tài, PGS.TS Nguyễn Anh Trụ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao nội dung nghiên cứu của đề tài và cho rằng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu của phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tỉnh Nam Định được coi là tỉnh trọng điểm của đồng bằng Bắc Bộ và cũng là địa phương có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh chưa có chiến lược cụ thể phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp, do đó việc thực hiện đề tài này là cần thiết góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và góp phần xây dựng chiến lược phát triển nông thôn bền vững. Kết quả nghiên cứu đề tài là tư liệu có giá trị, có thể sử dụng trong giảng dạy và nghiên cứu. 

PGS.TS Nguyễn Anh Trụ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – 

Uỷ viên phản biện 1 nhận xét

 

Theo nhận xét của ThS Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu QLKT Trung ương, với đặc trưng là giảm khai thác sử dụng các tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu, tiết kiệm năng lượng, kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, hạn chế chất thải phát sinh, vv….. kinh tế tuần hoàn được coi là một giải pháp quan trọng để phát triển bền vững ở phạm vi toàn cầu. Lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là 3 ngành trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản là những lĩnh vực quan trọng và có đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nhất là những tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp cao như Nam Định. Vì vậy, kết quả của đề tài đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu và đạt được các nội dung chính đã đề ra; có ý nghĩa đóng góp cả về khoa học và thực tiễn; đề tài sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và hoạt động thực tiễn tại các đơn vị.

Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, PGS. TS. Vũ Thị Kim Anh, Phó trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Công đoàn đồng thuận với các ý kiến đóng góp chi tiết, cụ thể của các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm nghiên cứu nên bổ sung, làm rõ nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận về không gian, thời gian cũng như những nội dung cụ thể của đề tài.

PGS. TS. Vũ Thị Kim Anh, Phó trưởng khoa Kế toán, Trường Đại học Công đoàn đóng góp ý kiến

 

Góp ý cho đề tài nghiên cứu, TS. Hoàng Thanh Tuyền, Quyền trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Công đoàn cho rằng, đề tài này mang tính cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, TS. Hoàng Thanh Tuyền cũng đóng góp thêm một số ý kiến bổ sung về mặt nội dung và hình thức cho đề tài.

TS. Hoàng Thanh Tuyền, Quyền trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Công đoàn – Uỷ viên Hội đồng nghiệm thu phát biểu

 

Phát biểu tại Hội đồng nghiệm thu, TS. Hà Văn Sỹ, Giảng viên chính, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công đoàn đánh giá cao nội dung của đề tài và cho rằng đây là một đề tài hay của tỉnh Nam Định - một tỉnh thuần nông với kinh tế trọng điểm là nông nghiệp. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nên có thêm đối sánh sự biến động của các năm.

TS. Hà Văn Sỹ, Giảng viên chính, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công đoàn phát biểu

      Thay mặt lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, TS. Trần Huy Quang đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của nhóm nghiên cứu. Các nội dung báo cáo của đề tài đã được nhóm thực hiện đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, đối với báo cáo tổng kết nên được tổng hợp một cách ngắn gọn, rõ ràng. Qua báo cáo, đề nghị nhóm nghiên cứu bám sát vào thực tiễn để đưa ra các giải pháp mang tính chất thứ tự, có lộ trình để kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các Sở có thể tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình đưa ra chính sách. 

TS. Trần Huy Quang, Phó giám đốc Sở KHCN tỉnh Nam Định đóng góp ý kiến cho nhóm nghiên cứu 

Thay mặt Hội đồng, PGS. TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho Trường đại học Công đoàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp ý kiến nhận xét cho đề tài. PGS. TS. Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh đây là một công trình nghiên cứu độc lập, công phu, đảm bảo tính khoa học, logic, hàn lâm. Nhóm nghiên cứu đã dành thời gian rất dài để khảo sát đánh giá thực tiễn. Bên cạnh những ưu điểm trên, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng để bổ sung, chỉnh sửa vào công trình nghiên cứu cho phù hợp. 

Với tinh thần cầu thị, sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của Hội đồng, TS. Đoàn Thục Quyên bày tỏ lời cảm ơn trân trọng và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu; ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định và xin hứa sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ đề tài.

Sau 3 giờ làm việc với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, và trách nhiệm, Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua và đề xuất nhóm nghiên cứu sớm hoàn thiện đề tài theo kết luận của Hội đồng để làm thủ tục hiện nghiệm thu cấp tỉnh.

 

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu:

Hội đồng nghiệm thu đề tài chụp ảnh lưu niệm 

ThS. Lê Thị Phương Thảo - Ủy viên thư ký công bố các quyết định liên quan 

Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo khoa học

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG



 

Tin liên quan
Top