Tin Hoạt động

HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 2025 VỚI CHỦ ĐỀ VẠCH TRẦN SỰ HẤP DẪN GIẢ TẠO

 

Thực hiện Công văn số 2261/BGDĐT-HSSV ngày 12/5/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 2483/BYT-KCB ngày 25/4/2025 của Bộ Y tế, Trường Đại học Công đoàn tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2025) và Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2025). 

Với chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn, chiến dịch năm nay nhằm phơi bày những chiêu thức quảng cáo sai sự thật của các tập đoàn thuốc lá, đặc biệt hướng tới việc bảo vệ giới trẻ khỏi những tác hại nguy hiểm của thuốc lá và các sản phẩm chứa nicotine.

Sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất trên toàn cầu. Theo WHO, mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người trên thế giới, trong đó khoảng 1,3 triệu ca tử vong liên quan đến hút thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, con số này cũng đáng báo động với hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm, bao gồm 84.500 ca do hút thuốc chủ động và 18.800 ca do hút thuốc thụ động. Những con số này không chỉ phản ánh gánh nặng bệnh tật mà còn cho thấy thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Ước tính, thuốc lá gây thiệt hại khoảng 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP, cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá. Đây là cái giá quá đắt mà xã hội phải trả cho một thói quen có thể phòng tránh.

Chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” nhấn mạnh vào những chiến thuật mà các tập đoàn thuốc lá sử dụng để thu hút người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay shisha thường được quảng cáo với hình ảnh “sành điệu”, “hiện đại” hoặc thậm chí là “an toàn hơn”. Tuy nhiên, sự thật là không có bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào an toàn. Tất cả các loại thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu, thuốc lào, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay các sản phẩm không khói, đều chứa nicotine và các hóa chất độc hại, gây tổn thương nghiêm trọng cho phổi, tim, não, đặc biệt ở người trẻ. WHO kêu gọi các quốc gia cùng chung tay vạch trần những chiêu thức quảng cáo sai sự thật, bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những cám dỗ nguy hiểm này.

Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó có 43 chất gây ung thư, đặc biệt là hắc ín và nicotine – chất gây nghiện mạnh. Các hóa chất này không chỉ gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch), ung thư (phổi, vòm họng, thực quản, ruột), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cũng như các vấn đề về răng miệng, loãng xương, vô sinh ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt và dị dạng thai nhi ở phụ nữ. Đối với trẻ em, tiếp xúc với khói thuốc lá có thể dẫn đến còi xương, chậm phát triển trí tuệ và suy dinh dưỡng. Đặc biệt, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, dù được quảng cáo là “ít hại hơn”, vẫn chứa các hóa chất độc hại tương tự như trong khói xe ô tô hay thuốc trừ sâu, gây suy yếu sự phát triển não bộ ở thanh thiếu niên.

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nam giới trưởng thành vẫn ở mức cao, dù đã giảm còn 41,1% (theo điều tra STEPS - WHO 2021). Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở nhóm tuổi trẻ. Theo điều tra PGATS 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người từ 15 tuổi trở lên tăng từ 0,2% (năm 2015) lên 3,6% (năm 2020), với nhóm tuổi 15-24 có tỷ lệ cao nhất (7,3%). Điều này cho thấy sự gia tăng nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá mới trong giới trẻ, đòi hỏi sự can thiệp mạnh mẽ từ cộng đồng và các cơ quan chức năng.

Việc bỏ thuốc lá mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50, nguy cơ tử vong trước 65 tuổi sẽ giảm 50%. Sau 1 năm bỏ thuốc, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch giảm 50%, và sau 10 năm, nguy cơ ung thư phổi cũng giảm đáng kể. Bỏ thuốc lá không chỉ giúp loại bỏ tích lũy chất độc trong cơ thể mà còn là hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu, đồng thời làm gương tốt cho thế hệ trẻ.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 2025, Trường Đại học Công đoàn kêu gọi toàn thể viên chức, người lao động, người học cùng chung tay lan tỏa các thông điệp tuyên truyền mạnh mẽ: “Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam”; “Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là giải pháp cai thuốc lá”; “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”; “Tăng thuế thuốc lá cao giúp ngăn ngừa trẻ em hút thuốc”. Đặc biệt, cần tuân thủ nghiêm Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về việc cấm sử dụng, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường học tập và làm việc không khói thuốc, vì một tương lai khỏe mạnh hơn. Mỗi hành động nhỏ như từ chối thuốc lá, lên tiếng phản đối quảng cáo sai sự thật, hay hỗ trợ người thân bỏ thuốc đều góp phần tạo nên sự thay đổi lớn. 

Trường Đại học Công đoàn luôn đồng hành cùng cộng đồng trong việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh, bản lĩnh và nói không với thuốc lá./.

(Nguồn thông tin và ảnh: Internet)

Dưới đây là một số hình ảnh:

Một số hình ảnh minh họa tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử

ThS. Nguyễn Anh Đức – Phòng GDCT&CTSV

 

 

Tin liên quan
Top