Tin Hoạt động

HỘI THẢO KHOA HỌC CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm học 2022 – 2023, ngày 28/4/2023, tại Phòng họp Quốc tế - trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học:“Cơ sở lý luận về mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài Khoa học và công nghệ "Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định" do TS. Đoàn Thục Quyên - Trưởng Khoa Kế toán làm chủ nhiệm đề tài. 

Tham dự Hội thảo, về phía chuyên gia, nhà khoa học có TS. Lại Văn Mạnh -Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ths. Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; TS. Hoàng Sĩ Thính - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Đại học Giao thông Vận tải. Về phía trường Đại học Công đoàn có sự tham dự Lãnh đạo các đơn vị; các thầy, cô giáo và học viên, sinh viên quan tâm đến chương trình.

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Hải Hoàng- Trưởng phòng Quản lý Khoa học, đồng chủ trì Hội thảo cho biết: Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là vấn đề quan trọng của quốc gia, của các cấp, các ngành. Xác định giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định là nhiệm vụ quan trọng. Sở Khoa học và công nghệ Tỉnh Nam Định đã tin tưởng, lựa chọn trường Đại học Công đoàn thực hiện đề tài khoa học “Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định” do TS. Đoàn Thục Quyên, trưởng khoa Kế toán làm chủ nhiệm. Trong khuôn khổ đề tài, Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp” với mong muốn nhận được sự tham góp của các chuyên gia, các nhà khoa học để từ đó hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

TS. Nguyễn Hải Hoàng- Trưởng phòng Khoa học, đồng chủ trì Hội thảo 

Thay mặt Ban Tổ chức, TS. Đoàn Thục Quyên-Trưởng Khoa Kế toán, Chủ trì Hội thảo gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các học giả, các chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp đã quan tâm tới Hội thảo. Mô hình kinh tế tuần hoàn với nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” đang dần thay thế cho mô hình mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống - mô hình kinh tế vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt những bước tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt, dẫn tới sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên đã trở thành xu thế phát triển tất yếu đối với mỗi quốc gia- TS.Đoàn Thục Quyên cho biết.

TS. Đoàn Thục Quyên-Trưởng Khoa Kế toán, Chủ trì Hội thảo phát biểu

Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận chất lượng của các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt Hội thảo đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Đây là tiền đề để bước đầu tạo nên sự thành công Hội thảo khoa học hôm nay. Các bài tham luận tập trung vào các nội dung:

Một là, hệ thống hóa khái niệm và đặc điểm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp;

Hai là, hệ thống hóa các tác nhân tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp và cách thức tiếp cận, ảnh hưởng của các tác nhân đó;

Ba là, hệ thống tiêu chí đánh giá mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp;

Bốn là, các yếu tố ảnh hưởng tới kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp;

Năm là, kinh nghiệm về phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp, mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để phát triển kinh tế bền vững, bởi KTTH giải quyết được 3 mục tiêu: (i) Ứng phó với sự cạn kiệt tài nguyên ở khâu đầu vào; (ii) Khắc phục vấn nạn ô nhiễm môi trường ở đầu ra; (iii) Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, KTTH đạt được cả 3 lợi ích: (i) Kinh tế; (ii) Môi trường; (iii) xã hội.

Chuyển đổi sang KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc, ASEAN và đặc biệt ở là các quốc gia đang phát triển và được đánh giá là quốc gia nông nghiệp như Việt Nam.

Nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là nền sản xuất thô về sản phẩm, thấp về chất lượng, tiêu tốn nhiều nguồn lực, ứng dụng KH&CN và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn khiêm tốn, sức cạnh tranh với khu vực và thế giới chưa cao; thậm chí, ở một số lĩnh vực còn đi sau thế giới khá xa. Còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dự lượng kháng sinh, chất cấm. Canh tác quy mô nhỏ, manh mún và phân tán vẫn còn phổ biến và các dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn.

Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp” được tổ chức nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả. Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn để lắng nghe ý kiến và đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, góp phần nâng cao năng lực học thuật của các nhà khoa học, đồng thời tăng cường truyền thông, kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước./. 

Dưới đây là một số hình ảnh:

TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Đại học Giao thông Vận tải, chia sẻ tham luận: Nghiên cứu về khái niệm kinh tế tuần hoàn và kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp

Ths.Trịnh Đức Chiều, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lên chia sẻ tham luận: Hệ thống tiêu chí đánh giá mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp

TS. Hoàng Sĩ Thính - Học viện Nông nghiệp Việt Nam về chủ đề Một số lý luận về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

TS. Lại Văn Mạnh– Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ tham luận về Tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Thành viên nhóm nghiên cứu trao đổi ý kiến với các chuyên gia

TS. Nguyễn Hải Hoàng- Trưởng phòng Khoa học phát biểu kết luận Hội thảo

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

 

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

Tin liên quan
Top