Tin Hoạt động

HỘI THẢO KHOA HỌC - VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

        Sáng ngày 21/9/2022, Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Công đoàn trong nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do TS. Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng chủ trì.

Quang cảnh hội thảo

Đến tham dự hội thảo, về phía Nhà trường có: TS. Lê Cao Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Hoàng Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn Trường, Trưởng phòng Đào tạo; cùng Lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, học viên, sinh viên.

Về phía khách mời có ThS. Nguyễn Văn Toản - UVBCH, Phó Chánh VP Tổng LĐLĐ; ThS. Nguyễn Thị Thủy Lệ - Chủ tịch Công đoàn Xây dựng; TS. Nguyễn Thu Hằng - Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ LĐTB&XH; ThS, NCS. Đỗ Minh Hùng - Ban thư ký Tạp chí Cộng sản.

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: tổ chức Công đoàn có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Thời gian qua các cấp công đoàn đã đổi mới phương pháp hoạt động, sáng tạo trong công tác vận động đoàn viên, NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hăng say lao động sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng suất gắn với chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh chất lượng thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, góp phần nâng cao NSLĐ, đồng thời, tập trung đầu tư phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”; “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, thiết thực góp phần nâng cao NSLĐ, chất lượng sản phẩm…

TS. Dương Thị Thanh Xuân phát biểu

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận phân tích 6 tham luận về một số vấn đề như: Phân tích, làm rõ một số khái niệm năng suất lao động, nâng cao năng suất lao động, vai trò công đoàn trong nâng cao năng suất lao động; Công đoàn phối hợp với NSDLĐ phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo góp phần nâng cao năng suất lao động; Vai trò của công đoàn đối với năng suất lao động thực tế một số quốc gia và hàm ý đối với tổ chức công đoàn Việt Nam; Các yếu tố tác động đến năng suất lao động trong doanh nghiệp ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp; Vai trò công đoàn tham gia đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động - Thực trạng và giải pháp; Vai trò của tổ chức công đoàn Việt Nam trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp - Thực trạng và giải pháp.

Các ý kiến đã góp phần làm rõ chức năng và vai trò công đoàn tham gia, chủ trì nhiều cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp. Hầu hết các tham luận thể hiện rõ nội hàm của các khái niệm cơ sở; Thực trạng Công đoàn tham gia đối thoại tại các cơ sở; các vấn đề về tiền lương; Kết quả phong trào thi đua do Công đoàn phát động;.... Từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công đoàn tại cơ sở, doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, các Tham luận đã nghiên cứu các chức năng của tổ chức công đoàn trên thế giới và đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ của tổ chức là:  Đại diện công nhân thực hiện sự điều hòa mâu thuẫn giữa công nhân với giới chủ, tập trung vào đại diện để bảo vệ quyền lợi; Công đoàn thực hiện tổ chức, lãnh đạo công nhân thực hiện một số nhiệm vụ mang tính chính trị; Lãnh đạo công nhân thực hiện cách mạng, hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, giúp công nhân có thể trở thành lực lượng làm chủ đất nước. Đồng thời khái quát một số yếu tố làm tăng năng suất lao động xã hội, yếu tố làm tăng năng suất lao động cá nhân. Từ đó rút ra mối quan hệ lý luận giữa vai trò của công đoàn và năng suất lao động.

      Theo TS Lê Cao Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường: năng suất lao động và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng NSLĐ tuy là một thách thức nhưng có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Có ba phương thức để nâng cao NSLĐ: (1) Đầu tư tài sản và nâng cao chất lượng đầu tư; (2) Nâng cao chất lượng và kỹ năng lao động; (3) Hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý cho sản xuất kinh doanh và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

TS. Lê Cao Thắng phát biểu

Chương trình hội thảo diễn ra nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về giá trị của nâng cao năng suất lao động; Công đoàn tham gia quản lý với người sử dụng lao động về đổi mới và áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến quy trình, điều kiện làm việc; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng cho người lao động; phát động các phong trào thi đua, lao động sáng tạo và khen thưởng động viên người lao động; xây dựng và phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật trong doanh nghiệp./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

 

 

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG VÀ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

 

Tin liên quan
Top